Nhà ký ức làng chài
Tồn kho:
GIỚI THIỆU HIỆN VẬT NHÀ KÍ ỨC LÀNG CHÀI
Nếu Nhà Dân Tộc Học nằm ở tựa lưng vào núi trên con suối như gợi nhớ về không gian núi rừng của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Nguyên thì Nhà Kí Ức Làng Chài nằm ở vị trí nhìn ra biển im lìm như con thuyền chứa đựng bao câu chuyện của làng chài Nam Thọ đợi người tới lắng nghe chuyện đời mình. Trải dọc ven bờ biển của Đà Nẵng là các làng chài như Nam Ô, Thanh Khê, Nại Hiên,... Trong đó có làng chài Nam Thọ nằm tựa lưng vào núi Sơn Trà ở nơi đầu biển, cuối sông này đã đem lại cảm hứng cho đạo diễn Đoàn Huy Giao tạo nên không gian trưng bày này.
Lần theo từng bậc đá được xếp đặt thành lối dẫn lên Bảo tàng Đồng Đình khi đi về phía cánh trái ta sẽ bắt gặp không gian trưng bày của nhà Kí Ức Làng Chài. Ngôi nhà được lấy cảm hứng từ làng chài Nam Thọ nằm ngay dưới chân núi Sơn Trà. Toàn bộ không gian nơi đây như một làng chài thu nhỏ, từ vách tường nhà cho tới các cột trụ, xà ngang...được làm từ hơn 400 mảnh ghép của 2 con thuyền gỗ, 3 con thuyền nan và 5 cái thúng chai của làng chài Nam Thọ đã hết đời sử dụng. Bên trong ngôi nhà là những hiện vật văn hóa ngư nghiệp một thời của làng chài Nam Thọ từ tranh ảnh, ngư cụ đánh bắt cá cho tới các chum hũ làm mắm đều được lưu giữ trong ngôi nhà mang Kí Ức Làng Chài này.
Hiện vật nơi đây được trưng bày theo dòng lịch sử của làng Nam Thọ từ lúc hình thành cho tới nay: Đó là lịch sử hình thành làng Nam Thọ bên cạnh những hình ảnh của khung cảnh làng chài và con người hồi đầu thế kỉ trước. Còn có cả những bản văn cúng, hình ảnh các không gian sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của làng Nam Thọ. Cuối cùng là hoạt động sinh hoạt đời thường lúc ra khơi khi vào bờ với nghề làm mắm cái, kiếm củi trên núi Sơn Trà, mưu sinh ven bờ. Dạo một vòng trong không gian trưng bày này mới thấy sự yêu quý mà bác Đoàn Huy Giao dành cho làng chài Nam Thọ, từ hiện vật lớn như cặp mắt thuyền, hũ mắm cho tới vật dụng nhỏ như cái muỗng múc mắm đều được ông trân trọng đặt vào những góc đầy hoài niệm của ngôi nhà.