Giới thiệu bảo tàng
GIỚI THIỆU BẢO TÀNG ĐỒNG ĐÌNH
Nơi quý khách đang đứng đây là bán đảo Sơn Trà, nơi mà gần 200 năm trước người phương Tây đã nổ phát súng đầu tiên khi xâm lược nước ta. Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa Sơn Trà trở về với dáng dấp của một nàng tiên xanh nằm ở nơi cuối sông đầu biển với 3 mặt giáp biển mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Sự dễ chịu của Sơn Trà đến từ những khoảnh khắc đầu tiên khi ta đặt chân tới đây, càng lên cao nhiệt độ sẽ giảm đi ít nhiều làm con người cảm thấy mát mẻ dễ chịu xua tan mệt nhọc của chuyến hành trình trước khi tới đây. Cũng vì sự nhạy cảm của nàng tiên xanh Sơn Trà trước thời tiết mà từ lâu người dân Đà Nẵng ví Sơn Trà như một trạm báo thời tiết qua câu ca dao:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Sấm rền Non Nước trời đà đổ mưa.
Và cũng tại bán đảo Sơn Trà cách đây hơn 40 năm bác Đoàn Huy Giao đã đặt những phiến đá khởi dựng nên Bảo tàng Đồng Đình. Bảo tàng Đồng Đình nằm ở thượng lưu Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trước mắt quý vị đây là những cây đồng đình một loài cây mọc phổ biến tại Sơn Trà có quả làm thuốc, lá làm bóng mát và đồng đình được lấy làm tên của bảo tàng. Bảo tàng chúng tôi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/01/2011 và các không gian trưng bày được xây dựng thành hình vòng cung dựa theo thế đất gò đồi lưng tựa núi mặt nhìn ra hướng biển. Bảo tàng được Bác Đoàn Huy Giao xây dựng dựa vào địa thế tự nhiên nơi đây, không phá vỡ cảnh quan tự nhiên mà dựa vào nó để hình thành nên các không gian trưng bày. Cảnh quan tại Bảo tàng chúng tôi là sự hòa hợp giữa kiểu cách nhà vườn trung du xứ Quảng với những hàng cau, hàng mít, cây ăn trái hòa với kiểu vườn nhà của đồng bào Tây Nguyên giữ nguyên trạng khu vườn chỉ xây nhà ở và để cây cỏ mọc tự nhiên. Sự hòa quyện đó là hiện thân cho tâm hồn của một người con miền trung du Quãng Ngãi từng sống và làm việc giữa núi rừng Tây Nguyên kết hợp lại đem về đây giữa núi rừng Sơn Trà này. Mỗi khu trưng bày tại Bảo tàng chúng tôi đều được đặt cách nhau bằng khoảng vườn có cây xanh mát rượi để khi tham quan xong bất kì một không gian nào trong bảo tàng, bước chân ra vườn tiếp tục chuyến tham quan quý khách vừa có thời gian thư giãn vừa hồi tưởng lại những gì đã được tìm hiểu trước khi bước sang một không gian trưng bày khác.
Nằm ở chính giữa là hai ngôi nhà cổ vật đây cũng đồng thời là hai ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng được đặt ở vị trí có sân vườn cây ăn quả tương tự như những ngôi nhà vườn trung du xứ Quảng. Bên trong trưng bày bộ sưu tập đồ gốm cổ trong nước thuộc thời kì văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa và gốm các triều đại phong kiến Việt Nam bên cạnh đó còn có các hiện vật gốm Trung Hoa thời Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh.Bên phải của nhà cổ vật là nhà Dân Tộc Học có vị trí thơ mộng, bắc qua thượng nguồn của dòng suối Bụt dưới những tán rừng nguyên sinh của bán đảo Sơn trà , tạo nên một khung cảnh đậm chất “đời rừng”. Chính vì lẽ đó đến với nhà Dân Tộc Học của Bảo tàng Đồng Đình chúng ta đang có một trải nghiệm thực tế được hoà mình vào không gian đời sống của người bản địa thực thụ mà không phải vượt hàng ngàn ki lô mét núi rừng hiểm trở và xa xôi. Ngay ở đây một không gian gợi nhớ về Tây Nguyên và sắp xếp lại vừa giữ nguyên các giá trị nguyên bản vừa được thổi vào đó nghệ thuật sắp đặt Đương Đại nhằm kể lại câu chuyện mà từng hiện vật mang trong nó. Với hiện vật của các dân tộc thiểu số miền Trung-Tây Nguyên từ các loại nhạc cụ như đàn Chapi, đàn Goong cho tới công cụ sinh hoạt hằng ngày như rựa, liềm, ná, gùi...đều được lưu giữ lại cẩn thận, đây là kết quả của hơn 15 năm bác Đoàn Huy Giao sống và làm việc trong không gian văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Còn khi quý khách rảo bước về phía cánh trái Bảo tàng là nhà Kí Ức Làng Chài. Nếu Nhà Dân Tộc Học nằm ở tựa lưng vào núi trên con suối như gợi nhớ về không gian núi rừng của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Nguyên thì Nhà Kí Ức Làng Chài nằm ở vị trí nhìn ra biển im lìm như con thuyền chứa đựng bao câu chuyện của làng chài Nam Thọ đợi người tới lắng nghe chuyện đời mình. Trải dọc ven bờ biển của Đà Nẵng là các làng chài như Nam Ô, Thanh Khê, Nại Hiên,... Trong đó có làng chài Nam Thọ nằm tựa lưng vào núi Sơn Trà ở nơi đầu biển, cuối sông này đã đem lại cảm hứng cho đạo diễn Đoàn Huy Giao tạo nên không gian trưng bày này.Toàn bộ ngôi nhà được làm từ các mảnh ghép của những con tàu gỗ, thuyền nan, thúng chai và ngôi nhà ấy ôm ấp trong mình kí ức của làng Nam Thọ nơi Bảo tàng đang tọa lạc. Từ ngư cụ khi ra khơi cho tới các công cụ sinh hoạt đời thường của làng chài đều được bác Đoàn Huy Giao trân trọng gìn giữ.
TIN LIÊN QUAN